Sở dĩ đá ốp lát tự nhiên được ứng dụng ở nhiều công trình xây dựng vì có độ bền, đạt tính thẩm mỹ và đa dạng mẫu mã để khách hàng có thể lựa chọn. Bạn đang xây nhà mà chưa biết nên chọn loại nào thích hợp nhất thì trước tiên cần phải nắm được đặc điểm của từng loại như sau:
- Đá phiến
Là loại đá dạng hạt mịn với thành phần chứa khá nhiều mica, chlorite và hạt thạch anh. Những dạng đá phổ biến nhất của đá phiến ở nước ta là đá tầy xanh, đá chẻ bao ở Đà Nẵng, đá đen ở Lai Châu, còn những loại đá được nhập khẩu thì phổ biến là đá vân gỗ, hồng ban mai… Kích thước phổ biến nhất của đá phiến là 10x20 cm, 15x30cm, trong đó đá Đà Nẵng, đá Lai Châu màu xanh đen thường được sử dụng thay thế cho các loại gạch ốp tường.
Đá vân gỗ có nhiều màu sắc khác nhau để lựa chọn do đó thường được dùng để ốp cho mặt tiền, các góc chữ A để tạo mỹ quan bắt mắt. Ngoài ra ở nhiều quốc gia, loại đá này còn được sử dụng để lợp mái, tuy nhiên ở Việt Nam thì hình thức này chưa được phổ biến lắm.
- Đá Marble
Còn được gọi là đá cẩm thạch, hình thành dựa trên sức ép của lòng đất khiến cho các khối vật chất có màu sắc đặc thù, vân đá đặc trưng. Các sản phẩm đá cẩm thạch đa số đều có bề mặt mài nhẵn bóng. Loại đá này thường được làm thành tấm đá slab khổ lớn, dùng để tạo mặt bàn bếp, ốp mặt tiền và ốp cột.
Kích thước phổ biến của các loại đá cẩm thạch ở nước ta là 10x20, 7,5x22, 15x30 cm, đôi khi nó cũng được cắt thành khổ 30x30 cm, 50x50 cm để lát sàn.
- Đá vôi
Độ đặc của loại đá này có phần thấp hơn so với đá cẩm thạch, màu sắc phổ biến là trắng, xám, vàng. Đá dùng với mục đích trang trí thường là để thô, cắt thành khổ có kích thước 10x20cm để ốp cổng, ốp mặt tiền. Phổ biến nhất là dạng đá bóc Nghệ An với gam màu trắng sữa, hồng nhạt, vàng. Bạn không nên sử dụng nó để ốp lát ở khu vực bếp bởi vì khi những chất dầu mỡ, nước trái cây, rượu bị dính vào thì sẽ làm dơ và khó tẩy rửa.
- Đá travertine
Đây là một loại đá hỗn hợp giữa đá vôi và đá cẩm thạch. Đa phần được mài bóng thành các tấm slab nhược điểm là có nhiều lỗ, nếu sử dụng thì buộc phải trám bề mặt lại. Một số loại hóa chất, chất tẩy rửa cũng có thể làm hỏng bề mặt đá nên trong quá trình sử dụng bạn phải bảo quản và chăm sóc kỹ lưỡng.
- Đá granite
Loại đá này còn được gọi là đá hoa cương, đặc điểm là cứng chắc, hạt đặc, có màu sắc lấm tấm như hạt tiêu hay hạt mè. Bề mặt của nó thô, ma sát khá cao nên hay dùng để lát sân hay lát lối đi. Còn sau khi được mài nhẵn bóng và làm thành khổ slab lớn thì thích hợp để ốp mặt tiền nhà, đại sảnh…
- Đá cuội, đá ba zan:
Đặc điểm của loại đá này là cứng, màu sắc đơn giản như đen, xám… nên hay được dùng để thiết kế cảnh quan lát nền, lát lối đi, ốp chân tường, bạn có thể dễ dàng bắt gặp loại đá này tại các quán cafe sân vườn.
-Đá tổ ong
Thành phần của loại vật liệu này có chứa nhiều đất sét, lỗ to và dễ gãy vỡ. Riêng loại đá tổ ong xám có lỗ nhỏ nên ít bị gãy hơn, bạn có thể cắt thành khổ tùy ý. Đa phần chúng ta thường sử dụng nó để ốp chân tường hoặc là ốp bồn hoa. Ở các biệt thự sang trọng thì đá tổ ong cũng được dùng để trang trí ngoại thất.
|